Đe dọa và bảo tồn Vẹt Iguaca

Ngày 11 tháng 3 năm 1967, vẹt Iguaca được ghi vào Danh sách các loài nguy cấp của Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ (USFWS).[50] Vào thời điểm đó, số lượng loài vẹt này được ước tính chỉ còn khoảng 70 cá thể. Trong năm 1968, những nỗ lực nhằm phục hồi nhằm tăng số lượng loài trong tự nhiên đã được bắt đầu. [51] Năm 1972, khi số lượng vẹt Iguaca ước tính giảm xuống chỉ còn lại 16 cá thể, Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ bắt đầu nỗ lực để nuôi vẹt Iguaca trong điều kiện nuôi nhốt tại Luquillo Aviary và đã mang lại kết quả tốt. Trong tháng 6 năm 2006, báo cáo nhận được từ USFWS cho thấy những con chim non trong điều kiện nuôi nhốt đã nở thành công với 39 con (trung bình hàng năm là khoảng 16). Trong năm 2006, 22 cá thể đã được thả vào trong tự nhiên tại Lâm trường quốc gia Rio Abajo để bắt đầu hình thành một quần thể hoang dã thứ hai, và thêm 19 con nữa cũng đã được thả tại đây vào ngày 27 tháng 12 năm 2008.[52]

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê Vẹt Iguaca là một loài cực kỳ nguy cấp từ năm 1994.[1] Loài này đã được quy định trong Phụ lục I của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES),[53] nên hoạt động buôn bán thương mại quốc tế loài vẹt Iguaca là bất hợp pháp.

Các mối đe dọa

Ưng đuôi lửa (B. j. jamaicensis), còn được biết với tên địa phương Guaraguao, là một kẻ thù trong tự nhiên của Vẹt Iguaca.

Hoạt động của con người được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm số lượng loài vẹt Iguaca.[54] Đó là những người định cư đầu tiên ở Puerto Rico, chẳng hạn như người Taino, họ săn bắn loài vẹt này như là nguồn thực phẩm. Sau đó, là việc phá hủy môi trường sống, bắt các cá thể vẹt chưa trưởng thành để phục vụ cho ngành công nghiệp vật nuôi. Nạn chặt phá rừng để phát triển nông nghiệp khiến loài vẹt này mất môi trường sống cũng là lý do chính cho sự suy giảm dân số của chúng.

Kẻ thù trong tự nhiên của Vẹt Iguaca bao gồm Ưng đuôi lửa (Buteo jamaicensis), Ưng cánh lớn (Buteo platypterus), Cắt lớn (Falco Peregrinus) hay Chim mắt ngọc (Margarops fuscatus).[2][55] Chim mắt ngọc xâm chiếm Puerto Rico trong giữa thế kỷ 20 và là một mối đe dọa đối với Vẹt Iguaca từ năm 1973. Để chống lại điều này, những chiếc tổ sâu hơn được thiết kế đặc biệt cho chúng để ngăn chặn sự cạnh tranh của những kẻ xâm lược.[56] Ngoài ra là các loài Ong mật phương Tây (Apis mellifera), loài Vẹt Hispaniola họ hàng (Amazona ventralis), Chuột đen (Rattus rattus) và Cầy lỏn (Herpestes javanicus) cũng có thể cạnh tranh vị trí làm tổ, ăn trứng cũng như giết hại những con non.[57]

Thiên tai lũ lụt không phải là một mối đe dọa đối với Vẹt Iguaca khi nó dễ dàng tự duy trì giống nòi, nhưng sự phân mảnh và suy giảm số lượng loài thì những thảm họa hiện nay là một mối đe dọa rất lớn. Bão Hugo đi qua khu vực sinh sống của loài vật này vào tháng 9 năm 1989 đã khiến chúng giảm từ 47 xuống còn 23 cá thể.[58]

Phục hồi

Nhằm phục hồi số lượng của loài Vẹt Iguaca đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp, một kế hoạch phục hồi đã được soạn thảo và thực hiện vào năm 1968. Mục tiêu chính của kế hoạch này là để giảm các mối đe dọa vào năm 2020.[54] Các mục tiêu khác bao gồm việc thành lập hai quần thể hoang dã riêng biệt (mỗi quần thể sẽ bao gồm hơn 500 cá thể trong thời gian ít nhất là 5 năm), bảo vệ môi trường sống, và kiểm soát các động vật ăn thịt, ký sinh trùng và đối thủ cạnh tranh. Một địa điểm thứ ba đã được lên kế hoạch vào năm 2011 thuộc Chuỗi các Khu bảo tồn động vật hoang dã Quốc gia Vùng Caribe.[59]

Cơ sở nuôi Iguaca Aviary, Puerto Rico, 2011.

Một số ít cá thể nuôi nhốt được tiến hành tại Luquillo Aviary vào năm 1973 nhằm mục đích bảo tồn.[54] Năm 1993, một số cá thể đã được chuyển giao từ Luquillo Aviary đến Rừng quốc gia Rio Abajo dưới sự quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường Puerto Rico (Departamento de Recursos Naturales y Ambientales).[60] Năm 2007, cơ sở thứ hai tại Aviary Iguaca thuộc Rừng quốc gia El Yunque đã được khánh thành và dành cho Priscilla Stubbe, một người gây quỹ chính cho cơ sở mới.[61]

Hoạt động của con người lại một lần nữa đe dọa tới loài vẹt Iguaca. Trong năm 2012, báo cáo ánh đèn từ những chuyến bay không được cấp phép tại các đảo lân cận đã làm gián đoạn hành vi sinh sản của loài.[62] Dự án Vía Verde xây dựng đường ống dẫn khí đốt phía bắc Puerto Rico do Luis Fortuño đề xuất đã làm các nhà bảo tồn quan ngại bởi nó sẽ dẫn đến việc chặt phá rừng tại các khu vực mà loài chim này kiếm ăn.[63] Những nỗ lực bảo tồn mới cũng đã bắt đầu trong khoảng thời gian này. Năm 2011, một nhóm nghiên cứu của Đại học Puerto Rico tại Mayaguez nối tiếp chuỗi gen của loài.[64] Ngày 15 tháng 8 năm 2013, việc phát hiện các tổ chim trong tự nhiên ở Lâm trường quốc gia Río Abajo đã được công bố.[65] Các chuyên gia cho rằng đây một dấu hiệu của việc mở rộng môi trường sống, và rằng số lượng của loài đã thích nghi hoàn toàn với cuộc sống hoang dã vốn đã bị phân tán khắp khu vực. Điều này đã được ghi nhận như là một bước tiến đáng kể, bởi El Yunque không phải là một môi trường lý tưởng cho các loài chim do độ ẩm của khu rừng sẽ khiến các cá thể loài dễ bị bệnh. Điều này đã được kèm theo một thông báo thứ hai, trong đó ghi nhận thêm rằng vẹt Iguaca trong tự nhiên (phân bố trong phạm vi từ 64 và 112 mẫu Anh) có khoảng 50 cá thể loài không bị giám sát phân bố khắp Puerto Rico.[66]

Việc chọn địa điểm để xây dựng một trung tâm sinh sản và nuôi nhốt đã được xem xét trong năm 2013, trong đó hai lâm trường Maricao và Isabela được phân tích.[67] Trong tháng 11 năm 2013, việc thành lập một đàn thứ ba tại Rừng quốc gia Maricao đã được công bố chính thức.[68] Một tháng sau đó, mười cá thể vẹt đã được sinh nở thành công tại Río Abajo.[69] Năm 2013 đã thiết lập một kỷ lục mới cho các chương trình sinh sản với 51 chim non, phá vỡ kỷ lục trước đó là 34 được xác lập vào năm 2011.[69] Cá thể hoang dã tăng thêm 15 chim non, một sự tiến bộ so với con số 12 trong năm trước đó.[69] Trong thời gian này, số lượng được biết đến của loài vẹt Iguaca chính thức đạt con số 500 cá thể.[70] Một trận hạn hán nghiêm trọng diễn ra bởi sự xuất hiện của El Niño bắt đầu vào mùa xuân năm 2015 và kéo dài trong suốt những tháng hè, mang lại tác động tích cực cho việc phát triển đàn nuôi ở El Yunque, với việc giúpddvetj Iguaca kéo dài mùa sinh sản.[71] Tuy nhiên, kiểu thời tiết này cũng khiến gia tăng số lượng Cầy lỏn hiện có trong rừng, là một trong số những mối đe dọa đối với vẹt Iguaca.[71] Ngày 13 tháng 8 năm 2015, một nhóm 25 cá thể vẹt đã được chuyển từ các chuồng nuôi khác để tiến hành nuôi tại Maricao.[72] Mỗi cá thể được tách riêng lẻ để bảo đảm an toàn trong khi vận chuyển và sau đó một chương trình thích nghi được dự kiến sẽ kéo dài một năm, trước khi chúng được đưa vào tự nhiên để tạo ra một quần thể mới trong khu vực.[72]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vẹt Iguaca http://www.elnuevodia.com/ciencia/ciencia/nota/bos... http://www.elnuevodia.com/ciencia/ciencia/nota/seq... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/co... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/co... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/en... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/ga... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/in... http://www.elnuevodia.com/noticias/locales/nota/li... http://www.gigasciencejournal.com/content/1/1/14 http://www.gigasciencejournal.com/content/pdf/2047...